Hệ thống môn học của chương trình mới:
Cấp Tiểu học:
-Các môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
-Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).
-Môn học mới: Tin học và Công nghệ.
Cấp THCS:
-Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Tin học (trở thành bắt buộc, khác với trước đây là tự chọn)
-Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.
Cấp THPT:
-Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.
-Các môn học lựa chọn: theo nhóm Khoa học xã hội (gồm các môn: Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và nghệ thuật (gồm các môn: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
-Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh THPT phải chọn tối thiểu 5 môn khác của nhóm môn được lựa chọn.
Một số điểm mới của chương trình
Chương trình GDPT mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.
Chương trình GDPT mới phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Chương trình GDPT mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
Với trường phổ thông triển khai chương trình mới, Bộ GD&ĐT lưu ý như sau:
Thứ nhất: Xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mớicủa trường theo kế hoạch của sở GDĐT, phòng GDĐT và phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường.
Thứ 2: Quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ GDĐT về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức kịp thời cho cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thứ 3: Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên từng môn học, lớp học; đề xuất kế hoạch bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; chọn cử đội ngũ giáo viên cốt cán đảm bảo số lượng và chất lượng để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đạt hiệu quả.
Thứ 4: Tổ chức rà soát, sửa chữa, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học và lựa chọn sách giáo khoa để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thứ 5: Phối kết hợp với các cơ quan thông tin - truyền thông tại địa phương đẩy mạnh truyền thông với cha mẹ học sinh và xã hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Thứ 6: Giám sát thường xuyên công việc để kịp thời phát hiện những khó khăn và có các biện pháp xử lý hiệu quả khi phát sinh; tổng hợp ý kiến các tổ/nhóm chuyên môn và báo cáo sở GDĐT trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thứ 7: Chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn:
Chủ động xây dựng kế hoạch tổ/nhóm chuyên môn, kế hoạch cá nhân; dự báo những thuận lợi, khó khăn và đề xuất những giải pháp giải quyết khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chủ động xây dựng kế hoạch tổ/nhóm chuyên môn, triển khai kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo kế hoạch của nhà trường.
Đôn đốc giáo viên xây dựng kế hoạch cá nhân, kịp thời phát hiện những thuận lợi, khó khăn và đề xuất những biện pháp giải quyết khó khăn về chuyên môn nghiệp vụ khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Kiểm tra công việc của các thành viên trong tổ/nhóm chuyên môn để kịp thời đề xuất với nhà trường các biện pháp xử lý. Tổng hợp ý kiến và báo cáo lãnh đạo nhà trường trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thứ 8: Chỉ đạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên:
Chủ động sáng tạo trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình kế hoạch của tổ/nhóm chuyên môn và kế hoạch của nhà trường.
Tích cực tham gia tập huấn đầy đủ và có chất lượng các buổi tập huấn do trường và các cấp quản lý tổ chức. Tham gia sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng và chủ động trao đổi các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chủ động xây dựng kế hoạch cá nhân, thực hiện dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo đúng các văn bản quy định. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá nhằm thực hiện dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Phát hiện những thuận lợi, khó khăn và đề xuất những biện pháp giải quyết khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ.
Tích cực tự làm thiết bị dạy học và xây dựng học liệu điện tử môn học theo phân công của tổ/nhóm chuyên môn trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tổ chức lựa chọn và hướng dẫn học sinh lựa chọn sách giáo khoa mới phù hợp với quy định của Bộ GDĐT và điều kiện hoàn cảnh của địa phương, của nhà trường, gia đình học sinh.
Tích cực truyền thông tới cha mẹ học sinh và xã hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để cha mẹ học sinh và xã hội hiểu rõ hơn về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói riêng và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung.
Chương trình môn học tải về tại đây:
Nguồn: Bộ GD&ĐT