Thực hiện kế hoạch năm học, theo sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, cùng với mong muốn các em học sinh có được sân chơi văn học thú vị và bổ ích, các cô giáo tổ Ngữ văn đã tổ chức chương trình ngoại khóa “CHÂN TRỜI VĂN HỌC”. Qua buổi ngoại khóa này, hi vọng các em học sinh ngày càng yêu thích môn Ngữ văn, thấy được ý nghĩa của môn Ngữ văn có tác động sâu sắc tới tâm hồn, nhân cách của con người. Đặc biệt, các em biết vận dụng môn học này trong cuộc sống thực tại ngày nay.
Chương trình ngoại khóa đã diễn ra vô cùng sôi nổi, hào hứng và bổ ích với 6 phần thi:
Phần 1 là phần thi “Chào hỏi, giới thiệu” của các đội. Mỗi đội thi một bản sắc riêng nhưng đều đem đến cho các thầy cô và học sinh nhà trường những ấn tượng vô cùng sâu sắc ngay từ phần mở đầu.
Phần 2: các đội chơi chinh phục các câu hỏi môn Ngữ văn với phần thi có tên “Cửa sổ văn học”. Từ “khung cửa sổ” này, các em đã mở ra những chân trời tri thức phong phú của văn học.
Phần 3: các đội chơi sẽ thi tài “Đi tìm nhân vật”. Qua phần thể hiện tài năng từ các bạn trong câu lạc bộ kịch của nhà trường, các đội sẽ đoán xem đó là nhân vật nào, trong tác phẩm nào và của ai? Phần thi diễn ra vô cùng thú vị và sôi nổi. Các diễn viên nghiệp dư của trường quả thực rất tài năng. Chỉ qua vài giây ngắn ngủi xuất hiện trên sân khấu, các bạn trong đội kịch đã tái hiện xuất sắc chân dung các nhân vật văn học. Qua đây, chúng ta cũng thấy được tài năng xây dựng nhân vật của các tác giả. Chỉ bằng một câu nói hay một cử chỉ, một hành động, các nhà văn đã khắc sâu ấn tượng về nhân vật. Trang sách đã gấp lại mà các nhân vật vẫn từ trong sách bước ra, sống tiếp cuộc đời bất tử trong lòng người đọc.
Phần 4 là một phần rất đặc biệt, phần “Giao lưu với khán giả”. Trò chơi dành cho các bạn học sinh là nghe giai điệu đoán tác phẩm. Những giai điệu đều được lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học nổi tiếng như “Thuyền và biển” của Xuân Quỳnh, truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh, truyện cổ tích Tấm Cám, tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương… Các em học sinh của nhà trường đã vô cùng hào hứng, sôi nổi, thích thú, nhiệt tình tham gia vào phần chơi này.
Phần 5: sự bùng nổ tài năng của các đội chơi được thể hiện rõ nét và ấn tượng qua phần thi “Tài năng”. Các đội thi đã thể hiện rất xuất sắc tài năng của mình ở nhiều lĩnh vực như diễn kịch với các tiểu phẩm kịch “Thị Mầu lên chùa”, kịch về nữ anh hùng Võ Thị Sáu, kịch “Chí Phèo”, kịch “Romeo và Giuliet”…, lĩnh vực hát với các ca khúc “Việt Nam trong tôi là”, ca khúc “Thị Mầu”, “Để Mị nói cho mà nghe”, “Bèo dạt mây trôi”…Với những phần diễn xuất cảm động, nhập vai chân thực, những giai điệu, những giọng hát tuyệt vời, phần thi tài năng của các đội đã để lại những ấn tượng rất sâu sắc đối với thầy cô và các bạn học sinh nhà trường.
Phần 6: phần thi hùng biện của các đội đã cho chúng ta thấy chiều sâu tri thức, lý luận của các đội chơi về văn học. Các đội chơi hùng biện về các đề tài khác nhau. Mỗi đề tài mang đến cho các em nhiều hiểu biết về văn học, về mối quan hệ giữa văn học và cuộc sống, về vai trò của văn học đối với xã hội và con người…
Qua buổi ngoại khóa “CHÂN TRỜI VĂN HỌC”, chúng ta thêm hiểu văn chương là tiếng nói muôn màu, muôn hình của yêu thương. Văn học giúp chúng ta biết “YÊU” để nhận ra cái đẹp của sự sống mà nâng niu trân quý; giúp chúng ta biết “THƯƠNG” để nhận ra nỗi khổ của sự sống mà bênh vực chở che. Sau chương trình, mong rằng các em học sinh thêm yêu mến và đến với văn chương, để cảm nhận được tình người trong từng trang sách!