Đây là hoạt động thường niên của nhà trường nhằm mục đích tạo điều kiện để các thầy cô giáo ở các tổ chuyên môn trong nhà trường thể hiện năng lực chuyên môn, học tập và trao đổi kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy, hướng dẫn tổ chức các hoạt động cho học sinh trong giờ học, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng sáng tạo và hiệu quả phương tiện và đồ dùng dạy học.
Tiết học “Hạnh phúc của một tang gia” của cô giáo Trần Thị Thanh Vân được thực hiện tại lớp 11D4. Để chuẩn bị cho giờ học, cô giáo đã hướng dẫn học sinh chuẩn bị kĩ các bước từ việc đọc tác phẩm, soạn bài, sưu tầm các thông tin về tiểu sử nhà văn Vũ Trọng Phụng và tiểu thuyết "Số đỏ", đặc biệt là hoạt động học sinh nhập vai diễn kịch trong một phân cảnh của đoạn trích. Từ việc tổ chức các hoạt động học tập, cô giáo Thanh Vân đã hướng dẫn học sinh nắm được những kiến thức trọng tâm của bài học qua việc tìm hiểu kiến thức về tác giả Vũ Trọng Phụng- một nhà văn trào phúng xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945; qua tình huống đặc sắc của chương truyện để nhận ra niềm “hạnh phúc” của gia đình cụ cố Hồng, từ đó thấy được bản chất lố lăng, đồi bại của xã hội “thượng lưu”. Ở mỗi hoạt động của giờ học, cô giáo đã tìm những phương pháp phù hợp để hướng dẫn học sinh tiếp cận bài học như thuyết trình về cuộc đời và con người của nhà văn, thuyết minh tóm tắt nội dung cả tiểu thuyết bằng sơ đồ tư duy, phát vấn, phân tích, hệ thống hóa… Cô giáo Thanh Vân cũng đã khai thác sâu đặc điểm nổi bật trong ngòi bút sáng tác của nhà văn Vũ Trọng Phụng là nghệ thuật trào phúng, giờ học có những tiếng cười khi khai thác những chân dung biếm họa, có những phút giây sâu lắng khi cảm nhận được thái độ phê phán mạnh mẽ của nhà văn.
Đến với giờ Hóa học ở lớp 12A5 của cô giáo Lã Thị Thúy Hạnh, với đặc trưng của một bộ môn khoa học tự nhiên, cô giáo đã triển khai tiết học mạch lạc nhằm giúp học sinh nắm rõ tính chất hóa học của kim loại và viết được phương trình hóa học minh họa cho các tính chất đó. Thí nghiệm hóa học có thể nói là món ăn “đặc trưng” của môn học, nên trong tiết học này các hóa chất, thiết bị thí nghiệm đã được chuẩn bị chu đáo như: Fe, Zn viên, Cu lá, Mg sợi, Na, dung dịch HCI loãng, dd HNO3 đặc, nước cất, dung dịch CuSO4, dung dịch NaOH đặc, phenolphthalein, ống nghiệm, đèn cồn, kẹp sắt, đèn cồn …. Không giống như cách kiểm tra bài cũ truyền thống, cô giáo đã có một cách kiểm tra bài cũ rất độc đáo và tạo được không khí cho lớp học – đó là trò chơi thông qua mô tả tính chất vật lý để đoán tên kim loại.Trong suốt giờ học, vì được tự tay làm các thí nghiệm nên các con học sinh rất hào hứng và đã tạo nên được giờ học rất sôi nổi! Hơn thế nữa, cách trình bày bảng của cô giáo cũng rất độc đáo, đẹp mắt– đó là trình bày theo sơ đồ tư duy. Sau giờ học tất cả nội dung của bài học đều hiện hữu rất rõ ràng và chi tiết trên sơ đồ đó.
Ngay sau hai giờ thao giảng, Ban giám hiệu và toàn thể hội đồng sư phạm nhà trường đã họp trao đổi, rút kinh nghiệm để nêu bật những hiệu quả, sáng tạo của mỗi giờ dạy.
Có lẽ, kết quả thu được sau những giờ Hội giảng thế này không chỉ là những kiến thức, kĩ năng học sinh được tiếp nhận, rèn luyện, mà còn là một không khí trao đổi, giao lưu, học hỏi về chuyên môn đầy cởi mở và hữu ích trong đội ngũ các thầy cô giáo của nhà trường.
Hội giảng tạm khép với lời hẹn trở lại vào tháng 3 năm 2019.