Tiết học thứ 1 ...
Giáo dục thể chất là môn học góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục phát triển thể chất và năng lực của học sinh. Trọng tâm giáo dục hiện nay là trang bị cho học sinh về kiến thức và kĩ năng vận động, hình thành thói quen tập luyện, khả năng lựa chọn môn thể thao phù hợp để tập luyện, phát triển thể lực và tố chất vận động. Thầy giáo Đỗ Đình Thắng - nhóm trưởng bộ môn Giáo dục thể chất đã tham gia Hội giảng với tiết dạy về Cầu Lông - Nhảy cao cho học sinh khối 11.
Ở tiết học này, học sinh được hoàn thiện hơn kĩ thuật đánh cầu thấp gần và kết hợp di chuyển; thực hiện đúng kĩ thuật phát cầu thấp, phát cầu gần thuận tay, đồng thời thực hiện các bài tập bổ trợ trong nhảy cao. Trước khi bắt đầu tiết học, nhiều thầy cô giáo đã hồi tưởng về bộ môn giáo dục thể chất - “nỗi ám ảnh lớn nhất của cuộc đời sinh viên”. Nhưng sau khi dự tiết học này, chứng kiến tinh thần tập luyện hăng hái của mỗi học sinh, sự linh hoạt trong đổi mới phương pháp dạy học của thầy Đỗ Đình Thắng, sự sôi nổi hấp dẫn của tiết học, các thầy cô đã nhanh chóng xóa đi nỗi "ám ảnh" ban đầu, thay vào đó là cảm nhận về một môn học hữu ích trong rèn luyện thể chất và nâng cao tinh thần cho người học.
Tiết học thứ 2 ...
"Học Toán để làm gì? Học Toán khó hay không khó?” Qua tiết học về “Xác suất của một biến cố”, cô giáo Trần Thị Minh Thùy đã giúp học sinh và cả các thầy cô tham dự hội giảng có thêm một câu trả lời: "Học Toán tưởng khó mà không khó. Học Toán để ứng dụng vào thực tiễn đời sống của chúng ta".
Tiết học được mở đầu bằng một clip đầy thú vị, qua đó cô giáo giới thiệu cho học sinh về lịch sử xác suất. Những ví dụ sinh động gắn liền với các bài học giáo dục đạo đức và cách sống được cô giáo đưa ra trong tiết học cũng thật gần gũi và hấp dẫn. Từ việc tung đồng xu để chọn phần sân trong bóng đá; việc lựa chọn một chiếc xe đúng ý để bắt đầu hành trình trải nghiệm; đến xác suất để một người trúng và không trúng xổ số, lô đề là bao nhiêu (gắn với bài học đạo đức đầy ý nghĩa) ... Qua đó, những khái niệm về phần tử, về biến cố, về không gian mẫu… bỗng trở nên thật đơn giản.
“Con số bí ẩn” ở phần củng cố bài học là cơ hội để học sinh hiểu thêm về bề dày lịch sử của mái trường Lê Quý Đôn- Đống Đa, có thêm động cơ học tập để thực hiện khẩu hiệu: “Hôm nay, các em tự hào về nhà trường. Ngày mai, nhà trường tự hào về các em”.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi tại buổi Hội giảng.