Xã hội càng phát triển, giáo dục càng được chú trọng và do đó, việc xây dựng mối quan hệ giữa các chủ thể cũng hướng đến kết quả tốt đẹp hơn. Để đạt được mục tiêu giáo dục trong nhà trường, mỗi chủ thể giáo dục Giáo viên- Học sinh- Phụ huynh học sinh cần có sự phối hợp nhằm tạo ra môi trường giáo dục thống nhất. Không chỉ ứng xử phù hợp với học sinh, giáo viên còn phải cân nhắc đến quá trình hợp tác với phụ huynh.
Tham luận của cô giáo Nguyễn Thị Liễu về công tác chủ nhiệm với chủ đề “Ứng xử với PHHS- Chìa khóa để thành công” tại Hội nghị Cán bộ, viên chức, người lao động năm học 2024- 2025 đã chỉ rõ: Trong trường học, giáo viên chủ nhiệm có vai trò chủ đạo trong việc phối hợp với các lực lượng giáo dục, là cầu nối giữa các lớp với các giáo viên bộ môn, ban giám hiệu, với phụ huynh và các em học sinh. Việc xác định được vị trí, vai trò cũng như tăng cường bồi dưỡng các kĩ năng xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh giúp giáo viên đạt hiệu quả cao trong các hoạt động giáo dục trong nhà trường, từ đó góp phần tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp.
Tại Hội nghị, cô giáo Nguyễn Thị Liễu đã chia sẻ về một số kinh nghiệm khi giao tiếp với Phụ huynh là:
- Xây dựng niềm tin và sự tôn trọng với PHHS.
- Lắng nghe tích cực chia sẻ của PHHS.
- Cân nhắc phương pháp giao tiếp với mỗi phụ huynh.
- Chuyên nghiệp và cẩn trọng khi giải quyết vấn đề.
- Học hỏi không ngừng về kỹ năng giao tiếp, học hỏi từ đồng nghiệp và sự tư vấn hỗ trợ của Ban giám hiệu nhà trường.
Giao tiếp hiệu quả- ứng xử khéo léo không chỉ là chìa khóa để giải quyết vấn đề mà còn là cầu nối để xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tích cực. Những kinh nghiệm và cô giáo Nguyễn Thị Liễu đã chia sẻ chắc chắn sẽ giúp các thầy cô giáo, đặc biệt là những thầy cô chủ nhiệm có sự giao tiếp phù hợp, hiệu quả hơn với PHHS.
ung-xu-voi-ph-chia-khoa-thanh-cong_289202422.pdf