Sự sáng tạo của buổi sinh hoạt chuyên môn được thể hiện ngay từ phần khởi động. Thông qua một ứng dụng Plicker, các thầy giáo cô giáo được trải nghiệm một cách kiểm tra đánh giá năng lực của cá nhân thông qua những câu hỏi về kiến thức lịch sử, xã hội, ngôn ngữ. Không khí trao đổi trở nên sôi nổi, hứng thú khi kết quả đánh giá được thể hiện trực tiếp thông qua Smartphone và máy tính có kết nối internet. Từ một phần khởi động sáng tạo, cô giáo Nguyễn Thu Hà đã đặt ra vấn đề cốt lõi cho định hướng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đó là dạy học phát triển năng lực. Một lần nữa, khái niệm năng lực đã được làm rõ, mỗi cá nhân con người có hai năng lực lớn là năng lực cốt lõi và năng lực đặc biệt. Từ đó cô giáo Thu Hà khẳng định dạy học phát triển năng lực là xu thế chung của giáo dục ở nhiều nước trên thế giới đầu thế kỉ XXI và cũng là yêu cầu mang tính đột phá của chương trình giáo dục phổ thông mới ở Việt Nam.
Nội dung buổi sinh hoạt chuyên môn tập trung vào hai nội dung. Phần một giới thiệu về chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu chuyển nền giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức một chiều sang nền giáo dục chú trọng hình thành, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; hình thành và phát triển cho HS những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; hình thành và phát triển cho HS những năng lực cốt lõi. Cô giáo Thu Hà cũng chỉ ra những lý do căn bản vì sao phải đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là sự khác biệt cơ bản giữa chương trình hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông mới để giáo viên nhận thức đúng đắn về việc cần có một chương trình GDPT toàn diện phù hợp với sự phát triển của thời đại.
Ở phần thứ hai của buổi sinh hoạt chuyên môn, các thầy giáo cô giáo đã tìm hiểu những vấn đề đặt ra với đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới. Để sẵn sang bước vào hành trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, mỗi thầy cô giáo cần có sự thay đổi với triết lý “ Khi ta thay đổi thế giới sẽ đổi thay”. Một lần nữa, bằng cách làm việc nhóm, các thầy cô giáo tham gia buổi trao đổi đã cùng chia sẻ, tranh luận về vai trò của người giáo viên trong việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, KTĐG theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; Tổ chức các hoạt động học tập kiến tạo; hoạt động khám phá vấn đề; HĐ luyện tập, thực hành ứng dụng để giải quyết vấn đề trong đời sống, tăng cường ứng dụng công nghệ, thiết bị dạy học… từ đó giúp cho HS và GV sau này chuyển sang thực hiện CT, SGK mới được thuận lợi.
Cuối cùng, cô giáo Nguyễn Thu Hà cùng toàn thể các thầy giáo, cô giáo cùng nhau quyết tâm bước vào chặng đầu tiên của hành trình thực hiện chương trình sách giáo khoa mới bằng những hoạt động cụ thể :thành lập Nhóm GV đồng hành sáng tạo; lập GROUP trao đổi và chia sẻ thông tin về đổi mới và sáng tạo: ĐỒNG HÀNH CÙNG BẢN ĐÔN; phát động phong trào: “Mỗi tháng 1 đổi mới trong dạy học” (trên cơ sở chương trình hiện hành); tổ nhóm CM tổ chức Nghiên cứu, thảo luận về nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình tổng thể và Chương trình môn học).
Phát biểu kết luận buổi sinh hoạt chuyên đề, thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Hải cũng đã nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của công tác chuyên môn trong chặng đầu chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình GDPT mới, đồng thời khích lệ động viên tinh thần tự học tự bồi dưỡng, say mê sáng tạo trong dạy học đối với toàn thể các thầy cô giáo trong nhà trường.