Vậy làm sao để làm tốt vai trò của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) trong hoạt động dạy học của nhà trường? Đến với hội nghị Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động năm học 2023 – 2024, cô giáo Lê Thị Đăng – GV bộ môn Văn và hiện đang là GVCN lớp 12D6 đã chia sẻ một vài kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm của mình trong tham luận “Các biện pháp quản lý học sinh của giáo viên chủ nhiệm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.
1. Tìm hiểu thông tin học sinh
- Ngay từ khi nhận lớp GVCN bắt tay tìm hiểu thông tin để nắm chắc lý lịch của học sinh như: số điện thoại, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình, về sức khỏe, tâm lý, năng lực học tập của HS để hiểu rõ về từng em cũng như có thể liên hệ, trao đổi ngay với cha mẹ HS khi cần thiết.
- Xây dựng kế hoạch chủ nhiệm với các nội quy cụ thể của lớp trên cơ sở nội quy của nhà trường và vận dụng cụ thể vào tình hình lớp chủ nhiệm.
2. Xây dựng đội ngũ cán bộ lớp
- GVCN phải xây dựng được đội ngũ cán bộ lớp có uy tín, trách nhiệm, năng lực, bản lĩnh. Lúc đầu tạm phân công sau đó vài tuần qua việc theo dõi, qua ý kiến của thầy cô bộ môn, các học sinh trong lớp sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ lớp xứng đáng, đảm nhận được trọng trách.
- GVCN phân công rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm của từng thành viên:
+ Lớp trưởng: chịu trách nhiệm quản lý chung tất cả các hoạt động của lớp, phụ trách chính theo dõi chuyền cần, tác phong, nề nếp.
+ Lớp phó học tập: đôn đốc, nhắc nhở các thành viên trong lớp thực hiện tốt các yêu cầu về học tập, rèn luyện.
+ Bí thư:
. Chịu trách nhiệm chính trong các hoạt động, phong trào do Đoàn trường phát động.
. Đôn đốc nhắc nhở các thành viên thực hiện nghiêm túc các quy định của Đoàn trường.
+ Lớp phó lao động: đôn đốc các tổ trưởng phân công thành viên trong tổ vệ sinh lớp học.
+ Lớp phó văn nghệ: Cùng với BCH chi đoàn tích cực phát động các thành viên trong lớp tham gia các hoạt động văn nghệ của nhà trường.
+ Tổ trưởng: thực hiện việc theo dõi và chấm điểm thi đua theo phân công của GVCN.
3. Trong các tiết sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa
- Thông qua học tập, các buổi sinh hoạt tập thể GVCN cho HS được bộc lộ suy nghĩ của mình, từ đó nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của HS.
- GVCN luôn lắng nghe, thấu hiểu suy nghĩ của học sinh và có cách giải quyết thỏa đáng với những lời khuyên nhẹ nhàng, khích lệ. Qua đó tình cảm cô – trò ngày càng tăng thêm sự gần gũi, thân mật.
- Thông qua các hoạt động ngoại khóa, GVCN luôn quan tâm hướng dẫn định hướng giúp cho các em có thêm sự tự tin, tinh thần tập thể, sự đoàn kết gắn bó, biết cách hợp tác trong công việc góp phần xây dựng một tập thể lớp đoàn kết, có tinh thần tương thân tương ái.
4. Phối hợp với cha mẹ học sinh
- Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh:
+ Gọi điện thông báo nếu HS mắc lỗi.
+ Thông báo lịch học, lịch nghỉ, các hoạt động khác của HS để CMHS nắm bắt.
+ Cuối tháng xếp loại thi đua và gửi kết quả rèn luyện của HS về cho gia đình.
+ Để động viên HS chăm ngoan, học tốt GVCN đã tham mưu và phối hợp với Ban phụ huynh thống nhất cuối năm có phần thưởng cho những HS ngoan, đạt thành tích cao trong học tập.
5. Đưa ra một số hình thức kỉ luật
- GVCN đưa ra một số hình thức kỷ luật để HS mắc lỗi biết nhận ra và tự sửa đổi như: viết bản kiểm điểm, trực nhật lớp,…
- Đối với HS cá biệt: quan tâm nhắc nhở riêng, bình tĩnh và kiên nhẫn.
6. Phối hợp với giáo viên bộ môn trong công tác giảng dạy
- GVCN trao đổi với giáo viên bộ môn để nắm bắt thêm về tinh thần, thái độ học tập, ý thức tổ chức kỷ luật, học lực…của từng học sinh trong lớp. Từ đó tạo điều kiện cho giáo viên chủ nhiệm có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan về chất lượng học tập của từng học sinh trong lớp, đồng thời có biện pháp giáo dục phù hợp đối với từng học sinh, giúp các em học tập và rèn luyện nhân cách đạo đức tốt hơn.
Công tác chủ nhiệm là một công tác quan trọng nhằm giúp nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục HS. Một người giáo viên chủ nhiệm tốt sẽ góp phần xây dựng nên một tập thể lớp tốt; nhiều giáo viên chủ nhiệm tốt sẽ xây dựng nên một nhà trường vững mạnh. Vì vậy, cô Lê Thị Đăng luôn cố gắng làm tốt công tác này và quan niệm rằng phải giáo dục HS bằng cả tình thương và trách nhiệm; phải là một tấm gương sáng cho HS noi theo; phải nhiệt tình, yêu thương, gần gũi với học sinh, coi HS như con của mình; phải công bằng, xử phạt nghiêm minh, khen thưởng kịp thời, biết kết hợp cương - nhu trong mọi tình huống. Chính vì vậy mà lớp cô làm chủ nhiệm, theo cô nhận xét thì “năng lực các em không được xuất sắc nhưng rất ngoan, đoàn kết, các thầy cô bộ môn vào dạy đều rất hài lòng, dành nhiều lời khen”.
Bài tham luận của cô Lê Thị Đăng chắc chắn sẽ là những kinh nghiệm đáng giá giúp cho nhiều thầy cô có thêm các biện pháp quản lý học sinh hiệu quả.