Đến với hội nghị Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động năm học 2023 – 2024, cô giáo Trần Thị Minh Thùy – đại diện cho nhóm Toán đã đưa ra các giải pháp.
Giải pháp đầu tiên là làm cho hoạt động học tập trở nên lí thú và hấp dẫn bằng cách thổi hồn vào các con số, thổi hồn vào những định nghĩa, định lý trừu tượng... để câu chuyện của thầy cô với trò trở nên lôi cuốn hơn.
Chẳng hạn khi dạy về mặt tròn xoay, cô đã giới thiệu những hình ảnh thực tế liên quan đến mặt tròn xoay. Với sự khéo léo của đôi bàn tay, người thợ gốm có thể tạo ra những sản phẩm có dạng tròn xoay bằng đất sét.
Cô cũng dùng mô hình động khi giới thiệu với trò về sự hình thành mặt tròn xoay. Và với mô hình này học sinh dễ dàng tiếp nhận khái niệm trừu tượng về mặt nón tròn xoay.
Giải pháp thứ 2 là lồng ghép bài giảng với một vài trò chơi nho nhỏ.
Ví dụ trong trò chơi hái táo, HS được chọn 1 trong 4 quả táo: Tình bạn, tình yêu, ước mơ và đam mê. Mỗi quả táo là 1 câu hỏi toán, nếu trả lời đúng HS sẽ được 10 điểm và 1 từ khóa được mở ra. 4 từ khóa của 4 quả táo liên quan đến chủ đề mà thầy cô muốn nói đến trong bài giảng.
Hoặc biến những bài toán khô khan thành một vấn đề thực tế gần gũi cần được giải quyết.
Để HS thấy sự ứng dụng của toán học vào cuộc sống, có thể biến bài toán tính bán kính mặt cầu ngoại tiếp của khối chóp khi biết các kích thước của khối chóp thành bài toán thực tế như sau:
Kim tự tháp Louvre được xây 1983, là kim tự tháp có dạng khối chóp đều được nằm giữa sân Napoleon của bảo tàng Louvre, Paris, cao 20.6m với đáy là hình vuông mỗi cạnh 35m. Nhà quản lý kim tự tháp muốn đặt 1 bộ phát wifi tại vị trí cách đều 5 đỉnh của kim tự tháp. Biết sóng wifi truyền theo mọi hướng theo dạng hình cầu. Nhà sản xuất giới thiệu 4 bộ wifi với bán kính phát lần lượt là 25m, 26m, 27m, 30m. Hãy giúp nhà quản lý chọn bộ phát wifi có bán kính nhỏ nhất mà mọi vị trí của kim tự tháp đều bắt được sóng.
Với bài tập này, HS không có cảm giác là học Toán, mà là học cách giải quyết vấn đề của cuộc sống. HS sẽ cảm nhận được học toán còn chính học tư duy, học cách để trở thành nhà quản lý tài ba.
Ngoài việc làm cho hoạt động học tập trở nên lý thú và hấp dẫn hơn, HS cũng rất quan tâm đến việc được thầy cô đánh giá thế nào, kết quả học tập ra sao. Chính vì vậy việc đổi mới phương pháp đánh giá HS cũng góp phần quan trọng trong việc tạo động lực học tập.
Cô quan niệm, mỗi một học trò có một ngân hàng điểm. Ngân hàng điểm này được tích lũy trong suốt cả một kỳ. Cách tích lũy điểm như sau: HS đạt 2 điểm 8 tích lên thành 9, 2 điểm 9 tích lên thành 10, một điểm 10 có thể xóa một điểm 0, nhiều điểm 10 có thể được tăng chút điểm cho những bài kiểm tra viết 15 phút. Điều này vất vả hơn cho thầy cô, nhưng thuận lợi cho học trò và không đánh giá nhầm trò. Vì kết quả đánh giá không phải là một bài kiểm tra mà là cả quá trình. Điều này cũng rất tạo động lực trong giờ học cho HS.
Cuối cùng việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa GV với HS tưởng chừng không liên quan đến học tập nhưng thực tế cũng góp phần không nhỏ đến việc tạo động lực cho trò.
Cô từng nói đùa với học trò rằng, muốn học giỏi Toán trước hết phải tập yêu người dạy môn Toán... Nếu bạn không thích thầy dạy toán, thì mỗi giờ toán rất khó khiến bạn cảm thấy thú vị.
Tuy nhiên không phải nói yêu là HS sẽ yêu, mà thầy cô phải chứng minh được rằng thầy cô là người đáng để HS tin tưởng và lắng nghe. Muốn HS đi học đúng giờ, thầy cô phải đúng giờ trước, muốn HS nghiêm túc thầy cô phải nghiêm túc trước, muốn HS mặc đúng đồng phục thầy cô phải mặc mẫu mực trước....Muốn HS say mê, thầy cô hãy say mê những gì mình đang dạy. Sự nhiệt huyết có khả năng lan tỏa. Hãy trau dồi chuyên môn, luôn là người nổi bật trong mắt học trò. Hào quang của thầy cô có sức hút mạnh mẽ đến với các em HS. Và cuối cùng thì trái tim sẽ đến với trái tim, hãy dạy bằng tình yêu, bạn sẽ được nhận lại tình yêu!