Hòa trong không khí phấn khởi của cả nước mừng Đảng, mừng xuân Đinh Dậu , ngày 24/1/2017 thầy trò trường THPT Lê Quý Đôn – Đống Đa đã tổ chức lễ hội “ Tết sum vầy” rất ý nghĩa và bổ ích với nhiều hoạt động như :Thi gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả và thi múa sạp. Đây cũng chính là chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo với chủ đề “Thanh niên với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.
Lễ hội "Tết sum vầy" được tổ chức với mục đích và ý nghĩa thiết thực, nhằm tạo cho học sinh một sân chơi lành mạnh, giáo dục các em hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa cổ truyền về ngày Tết, về các lễ hội của dân tộc để nâng cao những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống, hướng con người đến những tình cảm tốt đẹp trong các mối quan hệ gia đình, nhà trường và xã hội.
Cuộc thi múa sạp là cuộc thi sôi động nhất của các tập thể lớp. Đây cũng là một điệu múa truyền thống quen thuộc trong các lễ hội dân gian. Khởi thủy của múa sạp là từ những công việc trong đời sống hàng ngày, và nó diễn ra ở nhiều vùng miền, nhiều dân tộc khác nhau như : Thái, H Mông, Mường, Khơ Mú cùng nhiều dân tộc khác. Đây cũng là một loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong các ngày lễ hội.
Trong lễ hội “Tết sum vầy” 2017, cuộc thi múa sạp của các bạn trẻ "Bản Đôn" đã đem đến nhiều bất ngờ thú vị cho khán giả. Các tiết mục dự thi đã toát lên phong cách riêng của học trò trường THPT Lê Qúy Đôn- Đống Đa, một vẻ đẹp trí tuệ, thông minh,sáng tạo - sáng tạo tới mức tưởng chừng không giới hạn. Trong tiếng nhạc rộn ràng, trang phục rực rỡ sắc màu của các dân tộc, dù chỉ với bốn phút thể hiện, song học sinh trường THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa đã đem đến cho hội xuân nhiều câu chuyện kể phong phú, hấp dẫn thông qua các màn múa sạp gắn với chủ đề tình yêu quê hương, đất nước, con người, yêu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.Đó là câu chuyện về những cô gái Mông đi trẩy hội, chuyện các chàng trai cô gái đi gùi nước mùa xuân, chuyện tình quân dân trong những năm tháng gian khổ mà hào hùng của Đất nước, chuyện các sĩ quan Hải quân mang mùa xuân từ đảo xa về với đất liền, chuyện về các chàng trai bản đi hội tìm người yêu, thậm chí ngay cả cuộc thi kéo co dân gian cũng được tái hiện trong tiết mục dự thi. Sự kết hợp hoàn hảo từ âm nhạc đến trang phục, hòa quyện trong nội dung theo phương thức tự sự cùng kĩ thuật nhảy múa điêu luyện, cách di chuyển đội hình: vuông, tròn, đan chéo, hình thoi... rất chuyên nghiệp; sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa điệu múa dân gian với các động tác hiphop hay các vũ điệu hiện đại, giữa bước di chuyển của những đôi chân trần với các cử động của cơ thể và đôi tay ..., tất cả đã mang tới những tiết mục thật tuyệt vời, khiến thầy cô và các bậc cha mẹ học sinh phải ngỡ ngàng và không khỏi tự hào.
Quả thật, không chỉ còn là một cuộc thi, vượt trên tất cả, màn múa sạp đã trở thành “món ăn đặc sản tinh thần”. Với phần thi này, học trò trường THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa đã đánh thức mùa xuân, đã đem những lễ hội trên rẻo cao về ngay giữa lòng thành phố, từ đó lan tỏa vẻ đẹp tinh hoa của văn hóa cổ truyền dân tộc.