Mỗi năm xuân về, ngày Tết có lẽ là ngày quan trọng nhất với tất cả mọi người nhưng cũng là ngày bận rộn nhất của gia đình bánh chưng.
Vào ngày này, các thành viên đều tấp nập chuẩn bị để hoàn thiện đủ hàng nghìn cái bánh chưng cho tất cả các gia đình. Đặc biệt là Mẹ Gạo Nếp luôn luôn vất vả, hàng ngày dậy từ sớm tinh mơ để chuẩn bị các nguyên liệu. Khi đã chuẩn bị xong, Mẹ Gạo gọi cả nhà quây quần bên bếp lửa để gói bánh. Bố Lá Dong mạnh mẽ, dày dặn luôn được tắm rửa thật sạch và lau khô để làm lớp vỏ bảo vệ ba mẹ con bên trong. Tiếp đến là Mẹ Gạo cẩn thận tân trang lại quần áo của mình thật trắng sạch, rồi tự mình chui vào trong lớp vỏ mà Bố Lá Dong tạo dựng. Rồi đến Chị Đỗ Xanh điệu đà trang điểm thật tươi tắn, rồi chui tọt vào lòng mẹ, cảm tưởng như đã lâu lắm rồi không được cảm nhận hơi ấm từ Mẹ vậy. Em Thịt Mỡ cũng lanh chanh rửa ráy thật sạch và thêm cho mình những hương thơm riêng của chút tiêu chút gia vị rồi rúc vào trong vòng tay đang rộng mở của cả nhà. Tất cả được gói gọn trong sự bảo vệ của Bố Lá Dong, trong vòng tay yêu thương của Mẹ Gạo Nếp, sự tinh nghịch và thơm ngậy của hai Chị Em Đậu Xanh và Thịt Mỡ. Nhờ sợi dây lạt dai mà dẻo, cả gia đình gắn kết lại gần nhau hơn, hoà quyện vào nhau để tạo nên chiếc bánh chưng với màu xanh mướt của lá dong,sự mềm dẻo của gạo nếp và béo ngậy của đỗ xanh cùng thịt mỡ. Sau 10 đến 12 tiếng cả gia đình quây quần bên bếp lửa.
Ở trong từng căn nhà, từng ngõ ngách trên khắp mọi miền đất nước, ta đều cảm nhận được một hương dịu nhẹ, thơm ngậy - mùi hương của chiếc bánh chưng. Bánh chưng là một món ăn tinh thần, món ăn truyền thống gắn với truyền thuyết “Bánh chưng bánh dày” của dân tộc, là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết của mỗi gia đình.