!important;   !important;Thư gửi cá !important;c bạn học sinh và tuổi trẻ của mình, với thật nhiều tình thương và nỗi nhớ!
Mình là Trịnh Nữ Kiều Anh, cựu học sinh Lê Quý Đôn – Đống Đa, niên khóa 2016 – 2019, là học trò của cô chủ nhiệm Trần Thị Thanh Vân – GV Ngữ văn. Hiện tại mình đang là sinh viên khoa Ngữ Văn, năm thứ 3 của trường ĐHSP Hà Nội. Để có được cái tên là một cô sinh viên trẻ của trường Đại học Sư phạm, có lẽ mình sẽ không bao giờ quên kỉ niệm với Bản Đôn, cô Vân chủ nhiệm, tập thể lớp D4, với 42 thành viên rất yêu quý. Những kỉ niệm dấu yêu đó luôn đồng hành bên mình, in dấu trên con đường tương lai mà mình đã chọn hiện tại và sau này.
Chặng đường 3 năm của mình ở mảnh đất Lê Quý Đôn – Đống Đa là một hành trình đầy nhọc nhằn, nhiều truân chuyên trên con đường học tập song mình vẫn vững tâm một tình yêu với môn Văn, khao khát, hoài bão sau này được trở thành một cô giáo dạy Văn. Một cô học trò bé nhỏ rất say Văn, yêu Văn, nhiều khi coi Văn như lẽ sống, như “sở nguyện” cuộc đời. May mắn nhận được kết quả đỗ vào lớp 10, lần đầu tiên đến trường, nhìn gốc cây xà cừ thật vĩ đại, mình ấn tượng nhất vì cái cây ấy che cả sân khấu nhưng vẫn lừng lững và hiên ngang đứng đó. Mình yêu Văn và coi Văn sẽ là nghề tương lai mình trọn gắn bó vì người ta thường nói “văn học là nhân học”, yêu nghề và chọn nghề sẽ giúp mình luôn sống nhân hậu và yêu thương hơn... Qua những giờ học, những lời trao đổi ngoài giờ, tình yêu trong mình càng lớn dần, mình đã nuôi dưỡng hoài bão ấy, khát vọng ấy, quyết tâm học thật tốt để sau này được đứng trên bục giảng. Ngoài những giờ ở trên lớp, mình còn dành nhiều thời gian hơn để đọc sách, làm bạn với sách... Với mình những cuốn sách của các nhà văn Việt Nam có lẽ rất đỗi quen thuộc, rồi các nhà văn nổi tiếng nước ngoài đều trở thành một món ăn tinh thần với mình.
Vậy mà, cuộc đời nhiều khi đâu có được bình yên, giông tố luôn đến với chúng ta thật bất ngờ. Khát vọng ấy vừa được nhen nhóm, trỗi dậy cơ hội, thì con đường tương lai mà mình xác định trước mắt đã bị rẽ ngoặt. Mình mới học được một kì của lớp 10, do công việc cha mẹ nên gia đình phải vào Sài Gòn để sinh sống. Các bạn có biết không, trong mình lúc ấy là sự sụp đổ về tinh thần, là sự hoảng loạn, rối loạn không biết lựa chọn nên xin bố mẹ ở lại để học ở môi trường tốt như Bản Đôn hay là theo gia đình sinh sống, là một khoảng trời đầy mây đen và bão tố. Những ngày đến lớp với mình thật nặng nề, lòng mình muốn đến nhìn cô, gặp bạn, mà bước chân như kéo trì xuống. Ngay cả những giờ Văn mà hàng ngày mỗi khi chuẩn bị đến mình đều háo hức và chăm chú lắng nghe, đến giờ, trong mình cũng thật trống rỗng. Nhưng vì cha mẹ, vì gia đình, sau những ngày vật lộn tranh đấu, mình đã chọn vào Sài Gòn để sống. Khoảnh khắc chia tay với cô Vân, với lớp, chia xa mái trường mà mình yêu mến sao thật khó với mình “Bước đi một bước giây giây lại dừng”. Các bạn ạ, khoảng thời gian đó là thời điểm khó khăn nhất với mình. Và mình càng trở nên thất vọng hơn, đau khổ hơn, do điều kiện trường ở Sài Gòn tuyển chọn mình không được học ở lớp chuyên Văn, hay ban D như ở Lê Quý Đôn, nhà trường sắp xếp mình học ở một lớp ban Tự nhiên. Từ kì 2 của lớp 10 đến toàn bộ năm học lớp 11 là một thời gian học tập thật tệ hại với mình, kết quả học tập không được như mong muốn, kì vọng của mình và gia đình, mình còn phải vật lộn rất nhiều với các môn học tự nhiên. Và các bạn ạ, mình cũng ít có động lực và sự ảnh hưởng trong việc học tập vì các học sinh ở Sài Gòn sống phóng khoáng, họ không coi việc học phải hết mình như người ngoài Bắc mình đâu. Mình cảm thấy trước mắt đầy bế tắc, không còn cơ hội, không một cánh cửa mở ra. Những ngày tháng học ở Sài Gòn của mình thật nặng nề, u ám. Thời gian cứ trôi...
Và các bạn biết không, đúng như nhà văn Nguyễn Khải đã từng nói “ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy", con người sẽ “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu”. Tưởng như sẽ chấp nhận “chôn vùi” khát khao ở mảnh đất Sài Gòn. Sau ngàn lần đấu tranh, đến cuối lớp 11, mình phải xác định tương lai của mình, lúc bấy giờ công việc của bố mẹ đã thu xếp ổn thỏa hơn, mình đã mạnh dạn đề xuất quan điểm của bản thân, mình xin với cha mẹ cho mình cơ hội để làm lại, cho mình được ra Bắc trở lại để mình tìm con đường đi đúng đắn, tìm cơ hội để mình được thực hiện đam mê với nghề mà mình đã chọn ngay khi vào cấp 3 Lê Quý Đôn. Và rồi “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, cơ duyên lại đưa mình trở về với Bản Đôn, hội ngộ với cô Vân, hội tụ cùng với tập thể lớp D4. Mình được bắt đầu hành trình thực hiện đam mê cháy bỏng – một cô giáo dạy Văn trong tương lai. Mình đã chọn khối D, tập trung cao độ ôn thi 3 môn Toán – Văn – Anh để sau này đăng kí vào khoa Văn của Sư phạm 1. Tưởng rằng, con tàu ấy cứ thế chạy qua những đường ray thật trôi chảy để chuẩn bị cho việc làm hồ sơ, ôn thi, luyện đề. Vậy mà, sau bao nhiêu nhọc nhằn đầu tư bắt đầu từ lớp 12 đến cuối tháng 2, đầu tháng 3, điểm Tiếng Anh của mình vẫn thật thảm hại, chưa bao giờ lên nổi 6 điểm. Mình có nỗ lực đến mấy vẫn chỉ là 5 điểm trở xuống. Mình tự trách bản thân, tự đấu tranh, mình sẽ phải làm gì để cải thiện tình trạng học tập mà các điều kiện khách quan, môi trường học tập của cha mẹ, thầy cô đã dành cho mình. Thế rồi, lại một lần nữa vượt lên sự đấu tranh căng thẳng, những lời phân tích của mẹ, của gia đình, sự lo âu và sợ hãi của gia đình với 4 tháng nữa liệu con có kịp thời gian để học – ôn tốt. Mình quyết định chuyển sang khối C, môn Sử và Địa mình rất hào hứng khi được tiếp cận với kiến thức và phương pháp học của cô Vũ Thị Thanh Thủy (Sử) và thầy Trần Phong (Địa). Đổi khối thi trong khoảng thời gian ngắn đó là một mạo hiểm, một thử thách cam go với mình lúc đó các bạn ạ. Nhưng bằng niềm đam mê, bằng sự quyết tâm, ý chí, nghị lực, mình đã chiến thắng những chông gai, chiến thắng chính mình. Kết quả nhận được trong kì thi THPT QG năm 2019, tổng điểm 26 của 3 môn, Văn 8.5, Địa 8.5 và Sử 9.0 là hạnh phúc vỡ òa trong mình, một món quà thật ý nghĩa với người cha, người mẹ, với cô giáo chủ nhiệm của mình. Khi mình được đứng trên sân khấu của trường để nhận phần thưởng BGH trao tặng cho các HS thi có kết quả cao trong kì thi THPTQG, có lẽ thầy cô đã rất vui sướng, tự hào biết bao. Đam mê được trở thành một cô giáo dạy Văn không phải là “giấc mơ cổ tích”, không phải là cái gì xa vời với mình nữa rồi. Kết quả ấy là một phần thưởng xứng đáng dành cho cả một hành trình vượt khó để thực hiện đam mê và hoài bão.
Các bạn ạ. Hôm nay, đứng trên bục giảng một lớp học, nhưng không phải ở Lê Quý Đôn, mình cũng không còn là cô bé học sinh vụng về, bồng bột ngày nào. Lần đầu tiên sau 3 năm, cảm giác ngây ngô, cảm giác tuổi thơ ùa về gần gũi với mình như thế này, mình bỡ ngỡ và xúc động! Khi đã chọn nghề, sẽ sống với nghề, mình hiểu được rằng, để thực hiện khát vọng trong tương lai, mỗi chúng ta cần phải nỗ lực hết mình, nghị lực và quyết tâm thực hiện đến cùng thì mới về đến đích như mình ước mơ như có người đã từng nói “Nghị lực và bền bỉ sẽ giúp ta chinh phục mọi thứ!”. Và trong từng con đường đi, có lẽ bên cạnh sự kiên trì, cố gắng hết mình, sự cẩn thận cũng là một đức tính rất quan trọng. Nhất là với nghề dạy Văn của mình sau này. Vì thế, một người thầy đã căn dặn mình ngay từ khoảnh khắc đầu tiên gặp gỡ: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương”, đã nghiêm khắc với lỗi sai của mình trong từng ngày dẫn dắt, đã bao dung ngay cả khi tuổi trẻ bướng bỉnh và bồng bột. Chính tình thương trìu mến đó đã dẫn dắt mình bước qua chông gai đầu đời, nuôi nấng cho mình ý chí mạnh mẽ và sự tử tế. Đó là hành trang để mình ước mơ và thực hiện mơ ước. Sẽ luôn nỗ lực để trở thành một nhà giáo đủ đầy về tri thức và phẩm chất sư phạm chuẩn mực, nhưng rồi mai đây, cảm xúc bồi hồi này chắc chắn vẫn sẽ vẹn nguyên mỗi khi mình bước lên bục giảng. Mình muốn đem tất cả tình thương của mình trao đi giống như những gì mà mình từng nhận được từ ngôi trường hơn 50 năm tuổi. Mình đã lựa chọn được con đường nghề nghiệp của mình. Sẽ luôn tự hào là một người con của Bản Đôn.
Các em HS khóa K49, 50, 51, nhất là các em khóa 49, bây giờ hãy bắt đầu cố gắng thêm một chút, chúng mình sắp tới đích rồi. Chưa thể thấy điểm đến, song, đừng quên mường tượng về con đường đi. Trước khi có thể lựa chọn đi hướng nào, hãy cố gắng làm tốt nhất có thể mọi thứ trước mắt. Hãy bắt đầu bằng cách đặt bút xuống viết ra những đầu việc cần làm và mục tiêu cho hôm nay. Nếu chúng ta quyết tâm, ý chí, chúng ta sẽ thực hiện và làm được tốt nhất.
“Tuổi trẻ, có chao đảo một chút cũng không sao”. Câu nói đó đi cùng mình, thấm thoát 4 - 5 mùa hạ. Mùa hạ nào cũng oi ả. Vậy mà mình vẫn có thể vững chãi bước đi. Chúng mình hãy cứ vững chãi bước đi, mạnh mẽ ước mơ và nỗ lực hết mình vì ước mơ, dẫu có ngây ngô thì ước mơ nào cũng vẫn luôn vĩ đại. Vì đằng sau chúng mình có Lê Quý Đôn mà, và vì ngày mai chúng mình sẽ đứng ở một nơi khác nào đó khác mà tự hào về chính chúng mình và bầu trời của chúng mình hôm nay, để luôn xứng đáng là học trò của mái nhà Bản Đôn, là niềm tự hào các thầy cô “Hôm nay, các em tự hào về nhà trường; ngày mai, nhà trường tự hào về các em”. “Bản Đôn” sẽ nơi cất cánh, chắp cánh cho chúng ta bay cao, bay xa...
Chắc chắn chúng mình sẽ thành công thôi! Chúng mình cùng cố lên nhé!