Mở đầu buổi Hội thảo là tham luận đến từ tổ Xã hội với đề tài “Sử dụng mô hình tự làm trong dạy học lịch sử”. Đồ dùng trực quan có ý nghĩa quan trọng trong dạy học lịch sử, đặc biệt đối với phần lịch sử thế giới thời nguyên thủy, cổ đại và trung đại. Căn cứ vào nội dung bài học mà giáo viên sử dụng đồ dùng trực quan phù hợp. Các mô hình tự làm trong dạy học môn lịch sử chủ yếu chọn đề tài về các trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trên cơ sở các lược đồ quy ước có sẵn. Mô hình tự làm phản ánh đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội ít được chú trọng vì thiếu tài liệu hình ảnh làm căn cứ để xây dựng. Tổ Xã hội cũng đã gửi đến nhà trường mong muốn được quan tâm, đầu tư để có điều kiện tạo ra nhiều mô hình phục vụ công tác giảng dạy cũng như bố trí nơi bảo quản, giữ gìn sản phẩm.
Từ thực tế giảng dạy, các thầy cô giáo của tổ Toán Tin đã nhận thấy tổ chức các trò chơi học tập là sự lựa chọn hiệu quả cho việc sáng tạo trong giờ học Toán để người thầy thu hút được sự tham gia của học sinh, từ đó giúp đạt được mục tiêu. Để lựa chọn trò chơi phù hợp, giáo viên cần xác định mục tiêu của trò chơi đưa ra là gì, hình thành, luyện tập, củng cố kiến thức nào, giáo dục kĩ năng gì, phẩm chất gì… Bản tham luận cũng đề xuất những nguyên tắc sử dụng phương pháp trò chơi, cách tổ chức trò chơi phù hợp với hoạt động dạy học. Ngoài ra tổ Toán Tin cũng giới thiệu với Hội thảo một số trò chơi đã được các thầy cô áp dụng hiệu quả trong các giờ học Toán ở trường THPT Lê Quý Đôn- Đống Đa: “Chạy tiếp sức”, “Sai ở đâu? Sửa thế nào?”, “Giải ô chữ”, “Con số may mắn”, “Khỉ qua sông”, “Chim cánh cụt về nhà”, “Chiếc nón kì diệu”, “Nhà sáng tạo trẻ”… Các trò chơi này đều được tạo ra bằng cách sử dụng các hiệu ứng của powerpoit, giúp các thầy cô dễ dàng sử dụng để đưa vào bài giảng của mình.
Cô giáo Trần Thị Thanh Vân của Tổ Ngữ văn đã chia sẻ một số vấn đề đổi mới, sáng tạo trong dạy và học thông qua một hình thức hoạt động mới: dạy học kết hợp hoạt động trải nghiệm. Đây được coi là chìa khóa thực hiện việc học đi đôi với hành, học qua làm, học qua “mục sở thị”, học để trải nghiệm nắm vững kiến thức và hoàn thiện nhân cách qua những bài học thực tế…. Tổ Ngữ văn đã chia sẻ hiệu quả của một tiết học vận dụng hình thức hoạt động trải nghiệm “Hướng tiếp cận tác phẩm Hiền tài là nguyên khí của quốc gia gắn với hoạt động trải nghiệm”. Hiệu quả của hoạt động trải nghiệm đã mang lại một tiết học bổ ích và ý nghĩa.
Một trong những môn học được chú trọng trong nhà trường là môn tiếng Anh, tuy nhiên trở ngại của học sinh khi học tiếng Anh chính là việc ghi nhớ từ vựng, vốn từ vựng hạn chế sẽ ảnh hưởng đến các kĩ năng khác như nghe, nói, đọc, viết. Vì lí do trên, tổ Ngoại ngữ đã trình bày tại Hội thảo một số hoạt động củng cố từ vựng trong giờ học.
Việc đổi mới, sáng tạo trong dạy và học trong thời đại ngày nay luôn gắn với việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin. Bằng sự năng động, nhanh nhạy nắm bắt các ứng dụng, công cụ hỗ trợ dạy học, Tổ Hóa Sinh và tổ Vật lý- Kĩ thuật đã chia sẻ tại Hội thảo cách sử dụng các công cụ trực tuyến như Emodo, Kahoot, Socrative để ôn tập kiến thức và kiểm tra đánh giá học sinh. Đây là công cụ hỗ trợ dạy học miễn phí dựa trên nên tảng trò chơi và được sử dụng như một hệ thống lớp học tương tác, các công cụ này có thể sử dụng trên mọi thiết bị: laptop, tablet, smathphone, máy tính miễn là thiết bị đó kết nối mạng được. Các công cụ, ứng dụng học tập này đã đem lại hiệu quả rất cao trong giò học: học sinh tham gia tích cực thông qua các bài tập, bài kiểm tra tương tác, nhận được kết quả ngay sau khi làm bài, giúp học sinh nhận ra lỗi sai của mình, giúp giáo viên ôn tập những điểm người học cần ghi nhớ.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Hiệu trưởng nhà trường đã đánh giá cao về chất lượng của các tham luận, vừa có tính đổi mới, sáng tạo vừa mang tính thực tiễn, có thể áp dụng vào các giờ dạy cụ thể để nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.