Hôm nay, tất cả chúng tôi bỗng thành thân thuộc, gần gũi, không khoảng cách, vì cùng khoác chung màu áo chiến sĩ, cùng mang trên vai chiếc ba lô và chiếc mũ tai bèo… Chúng tôi đều sắp sửa ra “tiền tuyến”. Không ai nói ra, nhưng nỗi hồi hộp và cả náo nức cứ lấp lánh trong mắt mỗi người. Chỗ này, vài ba cô cậu học trò tíu tít nhìn nhau trong bộ quân phục lạ lẫm; chỗ kia, mấy chiến sĩ nhỏ đang tranh thủ ghi lại vài kiểu ảnh khó quên… Giờ làm lễ ra quân đã đến. Rất nhanh chóng, các cô cậu học trò đã đứng thành tiểu đội, trung đội, đại đội. Không biết, trong những trái tim nhỏ bé kia, liệu có ai có cái cảm giác xúc động, tự hào của cậu học sinh trường Bưởi - Nguyễn Văn Thạc - ngày nào trong buổi lên đường nhập ngũ ? Trong giây phút này, tất cả như vụt lớn, như chững chạc hơn với bộ quân phục đang mang trên mình.
Nỗi háo hức khiến chúng tôi quên cả chặng đường rời Hà Nội. Vừa mới đó, “chiến trường” đã hiện ra trước mắt. Xa xa, dãy Ba Vì xanh thẫm thấp thoáng trong mây, trong cây, thật khác xa với cái tấp nập, đông đúc của phố phường Hà Nội. Khi đến khúc quanh đầu tiên rẽ vào Trung tâm huấn luyện, chúng tôi cùng reo lên. Cả cô và trò đều dâng lên những cảm xúc khó tả, bởi chúng tôi đều sẽ có những trải nghiệm lần đầu tiên ở trong đời. Hành quân vào “doanh trại”, chúng tôi gặp những trung đội bạn trên đường, họ chào nhau, ríu rít ùa vào nhau như người đi xa lâu ngày gặp lại. Chưa bao giờ, cảm thấy thấm thía câu hát “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” như lúc này…
Những ngày ở Hòa Lạc thật không thể nào quên!
Lần đầu tiên, các cô cậu học trò được biết thế nào là một phòng ở tập thể, với những chiếc giường tầng. Ở đây, tất cả hoạt động của học sinh đều theo tập thể, từ buổi tập trung học tập chính trị đầu tiên, đến những buổi huấn luyện quân sự, rèn tập nơi thao trường, hay các buổi sinh hoạt theo nề nếp kỉ luật quân đội. Rất nhanh chóng, các em đã quen với những hiệu lệnh tập trung quân, quen với tiếng hô đầy khẩu khí của những chú bộ đội. Các chiến sĩ nhỏ, vụng về và chăm chú, gập từng chiếc chăn, màn cho thật vuông vức; những bàn tay mảnh khảnh thành thục trong động tác tháo lắp súng; những cô cậu học trò bỗng hóa thành người lính thực thụ trong các tư thế vận động trên chiến trường… Có lẽ, các em sẽ không quên những buổi cầm bát đũa xếp hàng ở nhà ăn, vừa xếp hàng vừa hát. Các em cũng sẽ không quên những ván bài đánh vội trong bóng tối, những tiếng cười rúc rích rồi lại im bặt khi bất chợt nghe tiếng bước chân thầy quân sự đến gần phòng. Các em sẽ không quên đứa bạn cùng phòng vừa run rẩy, hồi hộp, lại vừa thích thú trốn trong góc giường lúc cán bộ đi tuần… Ôi, những cô cậu học trò, nghịch ngợm ngay cả trong những hoàn cảnh “cam go” nhất! Các em chắc cũng sẽ không thể quên tiếng còi báo động đột ngột trong đêm, giữa lúc có đứa đang tắm, có đứa đang mặc dở chiếc áo ngủ… Khoác vội bộ quân phục lên người, có khi quên cả giày, cả mũ, tất cả các chiến sĩ, từ các ngả lao về vị trí tập kết, vội vã và hớt hải, như thể quân địch đang ở rất gần! Sẽ chẳng bao giờ có lại cảm giác ấy, khi chúng tôi nhìn các em rầm rập chạy qua, cũng như khi chúng tôi nhìn từng trung đội (chính là các đơn vị lớp) tiếp nối nhau trên đường hành quân vào buổi sáng hôm ấy. Đoàn quân nối dài như vô tận, khoác ba lô trên vai đi giữa màu xanh của cỏ cây Hòa Lạc, hát vang lời hát “ Đời mình là một khúc quân hành…”, mặt bạn nào cũng bơ phờ vì giấc ngủ ngắn ngủi đêm qua nhưng vẫn ánh lên một niềm tự hào khôn tả. Yêu sao những chiến sĩ học trò của chúng tôi!
Chia tay Hòa Lạc bằng một đêm Gala đáng nhớ. Âm hưởng của những bài ca ra trận từ mấy mươi năm trước – bài ca được viết nên bởi những bước quân hành bền bỉ, vượt núi, băng đèo của những người chiến sĩ chỉ “thích hoa hồng” nhưng vì kẻ thù nên phải “ôm cây súng”; bài ca được viết nên bằng niềm tin về chiến thắng, bằng sự lạc quan và tình yêu của những người đã đi qua tháng năm ác liệt nhất của chiến tranh – nay lại vọng vang trong niềm tự hào và kiêu hãnh của tuổi trẻ. Dường như chưa bao giờ, chúng tôi thấy những học trò yêu quý của chúng tôi hát những ca khúc truyền thống của quân đội, hát về đất nước, quê hương bằng một tình cảm trân trọng, thiêng liêng và nhiệt thành như thế. Những ánh đèn flash, những tiếng vỗ tay hòa trong nhịp hành khúc tạo nên màn hòa ca hừng hực lửa. Rồi, mọi cảm xúc dâng lên tột đỉnh sau màn gọi lửa. Những con chuột lửa đã thắp sáng lửa trại đêm ấy. Nhưng chúng tôi đều cảm nhận được, không chỉ lửa trại, lửa trái tim, lửa của khát vọng, lửa của chân lí niềm tin và sức trẻ đã được thắp lên. Cháy, cháy hết mình! Khi chương trình nghệ thuật đêm lửa trại đầy ý nghĩa khép lại, “nhiệt” đã hạ, lửa đã tàn, những chiến sĩ nhỏ lại trở về phòng ở để điểm danh và tận hưởng nốt đêm cuối cùng của “đời lính” tại Hòa Lạc. Còn chúng tôi, những người chưa từng đi qua đời lính, nhưng đã gặp rất nhiều những người lính áo xanh trong trang sách văn chương, chúng tôi cảm thấy tự hào và yêu tin về một thế hệ học trò đang hát tiếp “khúc quân hành” bằng tình yêu cháy bỏng của người chiến sĩ với Tổ Quốc.
Tạm biệt nhé, chúng tôi trở về Hà Nội. Tạm biệt màu áo lính thân thương! Một cái nắm tay rất vội, một tấm hình chụp chung, một lời dặn: “Thầy ơi…” Sao bùi ngùi đến thế. Ngày mai, chúng tôi trở lại giảng đường, sẽ lại là sách vở, sẽ lại là những giờ học Toán, học Văn…. Nhưng chúng tôi đều biết, mình sẽ không bao giờ quên những ngày ngắn ngủi mà ý nghĩa ấy, những ngày đầu tiên chúng tôi cùng học trò được trải nghiệm cuộc đời quân ngũ. Những cô cậu học trò bé nhỏ của chúng tôi, có người ngẩn ngơ vì nhớ, có người không cần bố mẹ đón, nằng nặc xin bố mẹ để con tự “hành quân” về nhà, người còn nán lại mãi sân trường để hàn huyên câu chuyện về những ngày trải nghiệm…
Không hiểu sao, trong chúng tôi bỗng dâng lên ý nghĩ, cũng những cô cậu học trò ấy, sẽ sẵn sàng khoác ba lô lên đường. Khi Tổ Quốc cần!