Mối quan hệ một chiều này phù hợp với đời sống xã hội trước đây, khi mà thầy cô là người có lợi thế tuyệt đối về thông tin, họ được đọc những sách mà học sinh không bao giờ có, họ được nghe những nguồn tin mà học sinh chẳng thể nào tìm kiếm được. Nhưng xã hội đã, đang và sẽ thay đổi không ngừng cùng với sự phát triển vũ bão về công nghệ thông tin. Trong môi trường mới đó, người có lợi thế không nhất thiết là người lớn tuổi hơn, mà là người có kỹ năng khai thác công nghệ thông tin tốt hơn. Nếu phải làm một phép so sánh về mức độ “lành nghề khai thác thông tin” giữa thầy và trò ngày nay, một cán cân “phi truyền thống” là điều hoàn toàn không khó dự đoán.
Đó là một sự thực mà mỗi người có vai trò làm thầy cô giáo không nên bỏ qua. Sự thừa nhận ở đây không có nghĩa là thầy cô yếu kém, mà nó có nghĩa là thầy cô thường xuyên phải đối đầu với những “thách thức” từ phía người học. Con đường nào để vượt qua những thách thức thường trực này? Một mặt, “tự hoàn thiện” hoàn thân không ngừng nghỉ, mặt khác vui vẻ đón nhận và cởi mở trao đổi với người học để nhận diện rõ những thách thức đó cụ thể là gì. Ngành giáo dục vẫn luôn nói về mục tiêu phát triển “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hai hành động đơn giản vừa nói chính là con đường đi tới mục tiêu này.
Các nhà nghiên cứu giáo dục thường hay so sánh nền giáo dục Việt Nam với các nước phương Tây nhằm lý giải vì sao lại có những kết quả giáo dục khác biệt. Có một điều mà ít người nhắc tới đó là không phải ở nước nào cũng có Ngày Nhà giáo được toàn dân kỷ niệm rầm rộ như ở Việt Nam. Như ở nước Úc, họ không có ngày kỷ niệm nào tương tự như vậy, những thầy cô giáo coi dạy học là một nghề bình thường như bao nghề khác, họ cũng phải có trách nhiệm săn sóc người học như một người lái xe phải quan tâm tới an toàn của các hành khách ngồi trên xe, như một y tá phải chú trọng sức khỏe của bệnh nhân. Xã hội đó cũng không dành cho thầy cô giáo những sự quan tâm đặc biệt, và cũng không đặt lên vai họ những trách nhiệm đặc biệt. Phải chăng chính trong một môi trường bình đẳng như vậy mà học sinh của họ luôn luôn tích cực?
Từ bỏ “đặc quyền” là một việc làm vô cùng khó khăn với bất kỳ ai. Các thầy cô giáo không phải là một ngoại lệ. Nhưng liệu những người làm nghề dạy học có còn cần tới đặc quyền đó nữa hay không khi mà thầy có hoàn toàn có thể phát triển cho mình những lợi thế lớn hơn dựa trên chính năng lực của bản thân. Năng lực trí tuệ, năng lực phát triển mối quan hệ bình đẳng và thân thiện với học sinh có giá trị và bền vững hơn nhiều so với đặc quyền kia. Một chút điều chỉnh trong tư duy hoàn toàn có thể mang lại giá trị lớn hơn rất nhiều so với mất mát từ việc từ bỏ cái đặc quyền không chỉ cản trở mối quan hệ hài hòa với người học mà còn hạn chế cả sự tiến bộ của cá nhân người thầy.
Hà Nội, ngày 30/9/2015