Nghĩ về em, tôi lại được sống với những ngày tháng chín của của 9 năm về trước, khi em còn là một cô học sinh lớp mười, còn tôi là một cô giáo mới về nhận công tác tại trường. Lúc đầu, tôi không có ấn tượng gì về em, chỉ đến khi tương tác, tôi mới biết em là một học sinh khuyết tật (nhìn bề ngoài, em không có gì khác các bạn cùng trang lứa). Em bị bệnh rung giật nhãn cầu bẩm sinh, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, nhìn bảng kém, viết bài một chút là mắt mờ đi, không nhìn rõ chữ. Nhưng em hết sức chăm chỉ, nghị lực và có tinh thần vượt khó đáng nể (báo Lao Động cũng đã có bài viết về em). Tôi vô cùng ấn tượng chuyện bố em kể, khi biết em sinh ra đã bị như vậy, lúc đầu, gia đình cũng rất buồn và chỉ dám nghĩ sau này sẽ mua cho em một chiếc xe đẩy, bày vài thứ lặt vặt cho em đẩy đi bán, cốt là để em hoà nhập được với đời, để em không có mặc cảm là người vô ích.
Lớn lên, gia đình cho em đi học tại trường Nguyễn Đình Chiểu - trường dành riêng cho người khuyết tật. Vào đây, em chỉ được nhận dự bị, rồi nhờ cố gắng, nỗ lực, em đã được vào học lớp một của trường. Và cứ thế, em học hết lớp tám ở ngôi trường đó. Đến lớp 9, gia đình xin cho em sang học trường thường để vừa học vừa chuẩn bị cho em hoà nhập khi tiếp tục học ở một cấp học mới. Do ở Việt Nam chưa có trường THPT dành cho người khuyết tật nên vào THPT em phải học trường thường. Qua tìm hiểu, gia đình em được biết, trường THPT Lê Quý Đôn – Đống Đa – Hà Nội là một ngôi trường chất lượng, có bề dày truyền thống, thầy cô giàu yêu thương và nhiệt huyết nên gia đình đã chọn để gửi gắm em.
Lúc mới vào trường, em bị mất tinh thần, có những khi tưởng như không thể theo học hết bậc THPT được. Nhiều lúc, em cảm thấy hốt loảng, sợ hãi, tự thu mình, tâm hồn khép kín, lúc nào cũng có cảm giác mặc cảm, bất an. Em cô đơn ngay trong chính lớp học của mình. Thời gian chảy trôi, từng ngày, từng ngày, em được các thầy cô, bạn bè giúp đỡ, động viên, chia sẻ khó khăn.
Rồi một ngày, trong giờ học Văn, em thấy vui, hạnh phúc, tự tin, như đang được sống một con người khác, một cuộc đời khác, một thế giới khác. Kể từ đó, em gắn bó với tôi hơn, coi tôi không chỉ là một cô giáo mà còn là một người mẹ, người chị, người bạn tâm giao. Tôi đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời em. Cũng từ đó, em bắt đầu tự tin hơn, cố gắng giao tiếp, tương tác với xung quanh nhiều hơn. Tôi rất ấn tượng về tinh thần tự giác học tập của em, về cách em tự học, về sự chỉn chu, nghiêm túc trong bài vở, về cách em đặt ra kỉ luật với mình, cách em học ngoại ngữ và cả cách mà em viết. Lần nào đọc bài của em, tôi cũng khá thú vị vì sự sáng tạo, khi là cách diễn đạt mới mẻ, khi là sự vận dụng kiến thức tự nhiên, khéo léo, khi là một dẫn chứng độc đáo bất ngờ…Càng ngày, tôi càng hiểu em hơn. Em yếu đuối, mong manh, dễ tổn thương, thích thu mình, nhiều khi coi cô như “chỉ của riêng con” và …hay khóc. Có hôm đến nhà tôi, lúc đầu em rất vui, sau một hồi lâu, em khóc và nhất định đòi về (khi đó đã là tối muộn, dù trước đó em đồng ý ngủ lại nhà tôi để ngày mai học sớm). Tôi hỏi vì sao, em càng khóc to và nói: “Sao cô bảo nhà cô hôm nay chỉ có mình con mà nhiều người nữa đến thế ạ?” Tôi phải dỗ và giải thích mãi rằng, những anh chị sinh viên đó đến là không hẹn trước. Cuối cùng, em cũng chịu ở lại.
Gần học hết lớp 12, trước kì thi đại học năm ấy, em tâm sự: “Con đã được tuyển thẳng vào trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng con thật lòng muốn được tham dự một kì thi lớn - kì thi Quốc gia để thực hiện ước mơ làm cô giáo dạy văn như cô, để thử sức mình và để được trải nghiệm trong thi cử. Tôi hơi bất ngờ. Hoá ra, trong cô bé lặng lẽ tưởng như chỉ có những mặc cảm, tự ti kia lại rực cháy những khát khao, ước mơ và niềm tin mãnh liệt. Tôi mừng lắm nhưng không khỏi băn khoăn và lo lắng.Với học sinh bình thường đã khó, học sinh khuyết tật như em lại càng khó gấp nhiều lần. Là cô giáo dạy văn như cô? Tức là em phải học, phải thi bình đẳng như các bạn khác để vào khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội? Tôi nắm tay em, gật đầu suy ngẫm. Em nói: “Cô giúp em nhé!”. Tôi lo lắng bảo: “Cô sẽ giúp, nhưng như thế nghĩa là em phải chuyển khối thi, mà thời gian thì còn rất ngắn? Em sẽ học và thi như thế nào? Ai biết em là đối tượng học sinh đặc biệt để ưu tiên? Dung lượng và cả chất lượng bài viết đều phải đảm bảo, em viết chậm chạp, khó khăn thế, kết quả rồi sẽ ra sao?” Em cười rất tươi và quả quyết: “Cô cứ yên tâm, em sẽ cố gắng hết mình, em cũng muốn thử sức, muốn tạo áp lực cho mình, để vượt lên, để mạnh mẽ, để không hối tiếc khi từ chối quyết định được nhận thẳng vào trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội”. Tôi như được tiếp thêm năng lượng tích cực, ôm em và lên một quyết tâm mới.
Từ khi đó, hai cô trò bắt đầu lập kế hoạch học, luyện tập, thi thử…Cũng từ đó, hàng xóm nhà tôi cứ đều đặn thấy, trước cổng nhà, một ông bố chở một cô con gái, cứ đến cây roi lại nhẹ nhàng dừng lại, đỡ con xuống, nhìn theo con đến khi con được cô dẫn vào nhà. Nắng cũng như mưa, khô hanh hay rét mướt, con không trễ một buổi học nào, có khi còn đến rất sớm, lúc cô vừa ngủ dậy. “Con sợ tắc đường!”; “Bây giờ cô mới dạy nhé!”, “…” là những câu lúc đó con thường hay nói. Nghe quen mà rất vui, rất thú!
Rồi, kết quả báo về. Thật bất ngờ! Em đã đạt 24 điểm, trong đó điểm Ngữ văn là: 8.5 điểm, được tuyển vào lớp chất lượng cao của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thế là em đã chính thức hoàn thành xuất sắc chương trình THPT, tiếp tục học lên một bậc học mới.
Từ khi tốt nghiệp THPT, năm nào Ngày 20/11 em cũng đến tìm tôi. Hình ảnh em tìm tôi trong ngày ý nghĩa và thiêng liêng ấy đã trở nên thân thuộc. Có lần, một cô em đồng nghiệp gọi tôi: “Chị! Chị! Bạn học sinh lại đến tìm chị đấy!”. Không nhắc tên nhưng cả tôi và cô ấy đều biết “bạn học sinh ấy” là ai. Biết cô bận, em luôn một mình chờ đợi, đợi đến khi nào cô có thể dành riêng cho mình một chút thời gian, cũng chỉ là để nắm tay cô, nói vài câu chẳng ra đầu ra cuối, có khi chỉ “Cô!’ nhưng tôi cảm nhận được tình cảm của em, niềm vui từ em. Tôi thấy ấm lòng và hạnh phúc, hạnh phúc của một người đưa đò khi khách qua sông đã lâu còn tìm lại tri ân người lái. Cách tri ân của em khiến tôi cảm động và hiểu rằng, khi đã ra trường, em vẫn giữ trong kí ức của mình hình ảnh của cô, của những giờ học bổ ích và lý thú để chính nó hôm nay, dẫn lối em về.
Đang học Đại học Sư phạm được gần hai năm, biết tin đại sứ quán Ukraina có một xuất học bổng du học, em đã tìm hiểu, nộp hồ sơ và giành được xuất học bổng du học. Em lại tìm tôi báo tin: “Cô ơi, em quyết định bảo lưu kết quả học tập để đi du học ạ”. Lại một bất ngờ nữa, tôi ái ngại nói: “Em cũng đã học đại học được hai năm? Em sang bên ấy có một mình? Ngoài tiếng Anh em đã thành thạo, em lại phải học thêm tiếng Nga, tiếng Ukraina nữa?”. Em lại cười (nụ cười của mấy năm về trước) rồi nói: “Cô cứ yên tâm! Con sẽ lại cố gắng như cô đã từng thấy đấy thôi”. Tôi băn khoăn nói: “Nhưng con ạ, mắt mũi con thì như thế, lại thân gái một mình nơi đất khách, con sống thế nào? Ngày khỏe còn đỡ, ốm đau ra đấy thì biết làm sao?”. Con lại cười và động viên ngược lại cô. Lúc ấy, trước em, tôi bỗng thấy mình bé nhỏ. Thêm tin tưởng, nhưng trong lòng vẫn không hết những băn khoăn. Một tháng sau, em xin phép đến chào và chia tay cô để đi du học. Nhớ em, tôi khóc!... Và hôm ấy, cô trò đã thủ thỉ suốt đêm.
Sau này, mỗi lần về nước, em lại đến thăm tôi. Em làm tôi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: Em một mình đến được nhà tôi. Em đã nhanh chóng thích nghi với cuộc sống của một du học sinh. Em biết tự đi du lịch (dù có lần bị lạc xa thành phố đến hơn 10km, rồi nhờ biết tiếng mà em lại tự tìm về được). Em thường xuyên được điểm cao, đạt loại giỏi trong tất cả các kì thi. Em thường xuyên tham gia hội thảo, nghiên cứu các vấn đề về tiếng Nga, về phương pháp dạy học tiếng Nga cho người nước ngoài của khoa, của trường và của toàn thành phố. Trong đó, có những đề tài được Hội đồng nghiên cứu khoa học đánh giá cao. Năm học 2016 – 2017, em được nhận danh hiệu Sinh viên quốc tế xuất sắc của khoa Dự bị Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Kharcov - Ukraine. Năm 2017, em chuyển sang học khoa Ngôn ngữ và Văn học Nga - Trường Đại học Sư phạm Kharcov và vinh dự được là Sinh viên của năm (năm 2019), được đề cử danh hiệu Nhà khoa học trẻ...Tôi mừng rơi nước mắt! Trời ơi! Huyền Trân của ngày nào nhút nhát, sợ sệt và hay run rẩy đang ngồi trước mặt tôi? Tinh thần, thành tích, nghị lực, bản lĩnh, thái độ sống của em thật đáng nể! Từ “Bản Đôn” tung cánh, em đã làm hiện thực rạng ngời một thông điệp vô cùng ý nghĩa: HÔM NAY CÁC EM TỰ HÀO VỀ NHÀ TRƯỜNG, NGÀY MAI NHÀ TRƯỜNG TỰ HÀO VỀ CÁC EM.
Khi tôi viết những dòng này, em vẫn đang trong thời gian thực tập tại Ukraina, một đất nước xinh đẹp ở trung tâm Đông Âu. Em vẫn đang say sưa với những bài giảng mới, với những cô cậu học trò da trắng, tóc đỏ, mắt xanh. Em đã thực sự được dạy học. Tôi còn nhớ, cuộc nói chuyện thú vị qua facebook gần đây của hai cô trò. Tôi hỏi: “Học sinh có biết em có vấn đề về mắt không?”, em bảo: “Không ạ! Em phải làm cho chúng không biết cô bị thế chứ ạ”. Tôi hỏi: “Bằng cách nào? Em nói: “ Con phải thường xuyên di chuyển khắp lớp, khá vất vả nhưng con làm được cô ạ. Chúng thích con dạy lắm. Ở đây, chúng không để ý cô trắng, đen, cao, thấp thế nào? Ăn mặc ra sao? Sành điệu hay giản dị?,… miễn là cô dạy thu hút, truyền được cảm hứng cho chúng là được cô à!”. Tôi gật đầu hài lòng! Thế là em đã trưởng thành, đã sắp thực hiện được ước mơ là cô giáo!
Trên đường học tập và nghiên cứu khoa học, chúc em sẽ tiếp tục nối dài bảng thành tích của mình. Mong em sẽ vẫn truyền lửa, lan toả yêu thương, nhiệt huyết và tình yêu cuộc sống, nghị lực và niềm tin đến mọi người. Cô sẽ vẫn dõi theo em, mãi mong em may mắn, thành công, an lành và hạnh phúc!
Huyền Trân ạ! Ngôi trường em học tập và gắn bó suốt thời thanh xuân ấy đang rất hứng khởi, tưng bừng và nhộn nhịp chào đón Lễ kỉ niệm 50 năm Ngày thành lập Trường. Ngày ấy, em không về được, nhưng cô tin, một ngày không xa, em sẽ lại về trường, “về ngắm lá phượng rơi, nhặt tiếng cười con gái”, “về gom kỉ niệm hồng, se vạt áo để dành xa”. Và ngày đó, cô cùng em sẽ ngồi bên nhau trên ghế đá dưới sân trường, cùng ôn lại những kỉ niệm xưa, ngắm những giò vạn niên thanh buông hờ tha thướt, những chùm hoa giấy rực rỡ sắc màu, những bông tường vi dịu dàng sắc tím, nghe lũ chim câu gọi bạn rất tình…
Cô sẽ vẫn chờ và dõi theo em như một đồng nghiệp mới!
Hà Nội, tháng 11 năm 2020
Cô giáo Vũ Thị Hồng Thắm