Cách đây vừa tròn 45 năm,
dưới ánh "đèn điện phố phường Hà Nội không bao giờ tắt" (Nguyễn Tuân),
trong không khí chiến đấu quật cường của quân và dân Thủ đô chống chiến tranh
phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ, chuẩn bị cho trận chiến " Điện biên phủ trên không " bằng
pháo đài bay B52, Trường phổ thông Cấp III số 1, tiền thân của trường THPT Lê
Quý Đôn - Đống Đa ngày nay đã ra đời. Lúc đó, theo chủ trương của Thành phố và
Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, Trường học ban đêm, tại số 47 phố Lý Thường Kiệt,
quận Hoàn Kiếm. Năm học đầu tiên 1970 - 1971, Trường có 12 lớp, với 32 cán bộ, giáo viên.
Dù phải học ban đêm, việc học lại liên tục bị gián đoạn bởi phải xuống hầm trú
ẩn, tránh bom đạn của giặc Mỹ, nhưng thầy và trò Nhà trường luôn ra sức thi đua
Hai tốt. Đến năm học 1972, trước tình
hình giặc Mỹ tăng cường không quân ào ạt đánh phá ngày càng ác liệt vào Thủ đô,
Trường phải sơ tán sang xã Văn Đức - huyện Gia Lâm, giữa những đêm lịch sử hào
hùng của hào khí Thăng Long - Hà Nội. Theo lời Bác dạy " Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt học tốt
", thầy và trò Nhà trường đã đoàn kết một lòng, vượt qua bao thử
thách, hiểm nguy, quyết tâm “chia lửa” với Hà Nội. Trong kì thi tốt nghiệp năm
ấy, học sinh của Trường đỗ 100%, một thành tích dẫn đầu của ngành Giáo dục Thủ
đô thời đó. Sau chiến thắng B52 lịch
sử, đầu năm 1973, Hiệp định Pari được kí kết, Trường lại trở về mái ấm xưa – số
47 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. Trang sử đầu của Nhà trường khép lại
trong dư âm hào hùng, trong niềm vui, niềm tự hào về thành tích dạy và học thời
kì chiến tranh chống giặc Mỹ.
Năm 1974, Trường
chuyển từ Hoàn Kiếm về Đống Đa, trên đất Xã Đàn, chính thức chấm dứt thời kì
học ban đêm, chuyển sang học ban ngày. Năm
1976, trong không khí tưng bừng của ngày hội non sông thống nhất, trường Cấp
III số 1 vinh dự được đổi tên thành trường cấp III Lê Quý Đôn, rồi sau đó là
trường PTTH Lê Quý Đôn (năm 1985). Bắt đầu từ đây, trên cơ sở nền móng 15 năm
xây dựng, trường Lê Quý Đôn đã bước những bước đi đầu tiên trên con đường đổi
mới một cách vững vàng mà khẩn trương, với " một tốc độ chưa thấy và không một trường PTTH nào so sánh được ",
như lời ông Vũ Mạnh Kha - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội đã đánh giá. Để
rồi, đến giai đoạn 1990 - 2000
và những năm đầu của thế kỷ XXI, Nhà trường ổn định và phát triển một cách mạnh
mẽ về mọi mặt. Những thành tích đáng tự hào của Nhà trường được thể hiện qua
những danh hiệu đã đạt được:
Chi bộ Đảng nhiều năm liền đạt danh hiệu Chi bộ đảng trong sạch vững
mạnh, luôn được Quận uỷ Đống Đa tặng bằng khen. Nhà trường nhiều năm liền đạt
danh hiệu Trường Tiên tiến và Tiên tiến Xuất sắc, được nhận bằng khen và cờ thi
đua của UBND Thành phố Hà Nội. Đặc biệt, năm 1993, Trường được Nhà nước tặng
Huân chương lao động hạng Ba; năm
1998, Trường vinh dự được Bộ GD - ĐT
tặng Cờ thi đua đơn vị Tiên tiến Xuất sắc, được Nhà nước tặng Huân
chương lao động hạng Nhì. Công đoàn
Nhà trường nhiều năm được Tổng liên đoàn LĐVN, LĐLĐ Hà Nội tặng cờ thi đua và
bằng khen đơn vị xuất sắc. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Nhà trường cũng được Trung
ương đoàn, Thành đoàn Hà Nội tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục thanh niên và công tác Đoàn.
Với niềm tự hào về ngôi trường được mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn, 45
năm qua, thầy và trò Nhà trường đã đạt được nhiều thành tích đáng biểu dương.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được nâng lên cả về số lượng và trình độ
chuyên môn nghiệp vụ. Tính đến tháng 7 năm
2015, toàn trường có 01 Tiến sĩ, 47 Thạc sĩ và 02 giáo viên đang theo học cao
học. Nhiều giáo viên đạt giải Nhất, Nhì, Ba ở các bộ môn trong kì thi giáo viên
giỏi Thành phố; nhiều SKKN và đồ dùng dạy học tự làm được tặng giải thưởng cao
cấp Thành phố, được ứng dụng và phổ biến khá rộng rãi. Hưởng ứng các cuộc vận
động lớn của Bộ Chính trị, của Thành phố và của Công đoàn Ngành, nhiều giáo
viên đã được tặng bằng khen cấp Tổng LĐLĐ, cấp LĐLĐ Thành phố và Công đoàn Giáo
dục Hà Nội. Nhà trường cũng đã không ngừng nỗ lực đổi mới hình thức và nội dung
các mặt hoạt động giáo dục, kết hợp hài hoà và cân đối giữa truyền thống và
hiện đại, giữa đức – trí – thể – mĩ
với hoạt động hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông, giữa việc nâng cao chất lượng
giáo dục đại trà với việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Kết quả là: Tỉ lệ học sinh
tốt nghiệp hàng năm liên tục giữ vững ở mức trên 99%. Số học sinh đạt giải cấp
Thành phố cũng liên tục tăng cao, nhiều học sinh đạt giải Quốc gia môn Lịch sử và
Địa lí. Đặc biệt, theo thống kê của Bộ GD& ĐT về
kết quả thi Đại học - Cao đẳng những năm gần đây, trường THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa luôn xếp thứ hạng cao
trong top 200 trường THPT có điểm thi đại học cao nhất toàn quốc và nằm trong
top những trường đứng đầu của Thành phố Hà Nội.
Có thể nói, trải bao thăng trầm, từ chiến tranh tới hoà bình, từ những
lớp học ban đêm sang lớp học ban ngày, từ thuở ở Hồ Gươm đến thời kì “trả kiếm - đi xây Đàn Xã tắc, giương cung về
dựng đất Tây Sơn”, đến hôm nay, trường THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa vẫn vững
bước đi lên, đẩy mạnh hoạt động giáo dục toàn diện, xứng danh là trường Cấp III
số 1 như 45 năm về trước.
Phát huy truyền thống 45
năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên
và học sinh Nhà trường quyết tâm phấn đấu không ngừng, để trường THPT Lê Quý
Đôn - Đống Đa luôn là điểm sáng, là địa chỉ giáo dục có uy tín, có chất lượng
cao trong hệ thống Giáo dục - Đào tạo Thủ đô.