Sinh thời, Lê Quý Đôn từng được người đời ca tụng: “Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn”, có nghĩa là mọi người trong thiên hạ ai không hiểu việc gì, muốn hỏi thì gặp Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Câu nói đó đã nói lên tầm vóc của nhà bác học thiên tài của Đại Việt thời phong kiến. Ham hiểu biết, thích sưu tầm lại có một trí nhớ siêu việt… đó chính là những yếu tố giúp ông trở thành danh nhân đất Việt. Ông đã có những cống hiến trên nhiều lĩnh vực như triết học, sử học, nông học, thiên văn học… Mỗi cống hiến của ông lại mang đến giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục cũng như nhân văn cho mọi thế hệ.
Tác giả Văn Tân trong cuốn “Trí thức Việt Nam xưa và nay” đã nói: “Lê Quý Đôn là nhà bác học lớn nhất của nước Việt Nam thời phong kiến. Suốt đời ông tỏ ra là một người đọc sách không biết mệt mỏi.. ” Nhà sử học Phan Huy Chú viết: “Ông tư chất khác đời, thông minh hơn người mà giữ tính nết hiền hậu, lại chăm học không biết mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách”.
Chỉ tính riêng về tác phẩm của Lê Quý Đôn thì thống kê có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển, tuy nhiên một số đã bị thất lạc. Những tác phẩm tiêu biểu còn lại của Lê Quý Đôn truyền lại cho hậu thế có thể kể tới như: Bộ “Toàn Việt thi lục” gồm 6 quyển, tuyển chọn 897 bài thơ của 73 tác giả từ thời Lý đến đời Lê Tương Dực. Ông đã hoàn thành bộ sách này và dâng lên vua năm 1768, được ban thưởng 20 lạng bạc. Bộ “Quần thư khảo biện”, tác phẩm được ông hoàn thành khi chưa đầy 30 tuổi, chứa đựng nhiều quan điểm triết học, lịch sử, chính trị. Bộ “Vân đài loại ngữ”- một cuốn “bách khoa thư” về triết học, khoa học, văn học…Bộ “Quế Đường thi tập” gồm hàng trăm bài thơ ông làm trong thời gian đi sứ Trung Quốc.
Mặc dù là một vị quan to của Triều đình nhưng Lê Quý Đôn lại mang cốt cách giản dị và hết sức gần gũi với nhân dân. Cứ chiều chiều, ông lại ra đầu làng hóng gió. Đây cũng là nơi dân làng có điều kiện được gặp gỡ với ông để “vô tri vấn bảng Đôn”. Có khi là bác thợ mộc mang cả hai mẫu chữ viết sẵn để hỏi ông xem là chữ gì?. Nhìn hai chữ chưa được viết thành chữ rõ ràng. Lê Quý Đôn phải hỏi lại: “Anh thấy hai chữ này ở đâu?”. Người ấy nói: “Tôi thấy ở trên đầu những chiếc xà nhà mới làm…” “À, thế thì có thể đọc được rồi. Người ta viết tắt để đánh dấu mà phân biệt trước, sau khi làm nhà”. Và ông vui vẻ dặn thêm: “Từ nay muốn thuộc các chữ này, anh cứ nhớ là “Tiền sừng bò, Hậu cò lội”. Đấy, có phải là chữ giống sừng bò và chữ giống dấu chân cò lội trên bùn không nào”.Chỉ có người gắn bó với nông dân mới có cách giải thích dễ hiểu đến như vậy. Và cũng chính những cuộc gặp gỡ đó ông cũng học lại được ở những người dân nhiều điều. Thu thập được điều gì hay, ông lại viết trên những tấm thẻ giấy nhỏ rồi sắp xếp, phân loại theo thư mục dung để tra cứu khi viết sách. Nhờ đó, khi 47 tuổi ông đã hoành thành bộ “Vân đài loại ngữ”, được coi là cuốn “ Bách khoa thư” lớn nhất thời trung đại Việt Nam. Chỉ riêng ở mục “Phẩm vật” trong đó ông đã thống kê rất nhiều sản vật của các vùng. Chỉ riêng về giống lúa, theo Lê Quý Đôn ở nước ta có 9 giống lúa chiêm, 23 giống lúa mùa, 29 giống lúa nếp. Mỗi giống lại phân chia ra nhiều loại theo đặc tính của nó cho nên có tới hàng trăm giống lúa. Hay những kinh nghiệm sản xuất và đời sống cũng được Lê Quý Đôn đúc kết trong sách này. Ngày nay, mỗi khi lật từng trang sách đó, chắc không ít người cảm thấy thú vị khi đọc đến kinh nghiệm bảo quản cam được Lê Quý Đôn viết trong sách: “Muốn để cam giấy được lâu, nên lấy đậu xanh phủ kín, lâu không biến sắc, vì tính quýt nhiệt, đậu xanh thì mát, cho nên để được lâu” Hay “Tre có thứ tre đực và tre cái. Tre cái nhiều măng, cho nên khi trồng người ta thường chọn tre cái. Muốn biết tre đực hay tre cái, nên xem cành thứ nhất trên gốc, có hai cành là cái, một cành là đực. Phép trồng măng, cứ cách một năm chon ở dưới lũy một con mèo hay con cáo thì sang năm có vô số măng”
Những tác phẩm của Lê Quý Đôn luôn chứa đựng bao điều thú vị. Dù là một vị quan đã nhiều lần giữ trọng trách trong Triều đình: Khi làm việc ở Ban quản tu Quốc sử quán, Thị giảng Viện Hàn lâm, khi đi sứ Trung Quốc… nhưng trên hết ông là một tấm gương về sự học, đọc sách không ngừng nghỉ; một nhà chính trị luôn gần gũi nhân dân, quan tâm đến nhân dân. Để từ đó người đời ca tụng ông là “Thiên hạ vô tri vấn bảng Đôn”. Nhưng với Lê Quý Đôn, một người mang cốt cách giản dị, chân thành thì luôn suy ngẫm rằng: sự học không bao giờ là hữu hạn, ai cũng có thể là thầy ta khi chính ông đã từng nói “Bảng Đôn vô tri vấn thế nhân” (Bảng Đôn không biết thì hỏi người đời).